TỬ CHIẾN GIỮ ĐỒN
Nhiều tài liệu cho biết những nghĩa sĩ trận vong trong sự kiện đô đốc Pháp Page tấn công đồn Chơn Sảng vào ngày 11.8.1859 được đưa về chôn cất tại nghĩa trủng Nam Ô ngày nay (tại P.Hòa Hiệp Nam,ĐitìmcổthànhĐồnChơnSảngvàtrậnthưhùngđíchthựmẫu đơn xin ly hôn Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng). TS Lưu Anh Rô, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cũng cho biết hằng năm, lễ giỗ những anh hùng nghĩa sĩ vẫn được làng đều đặn tổ chức. Theo ông Rô, bài văn tế có hồi đầu thế kỷ 20, do ông Khóa Phương (tức Trần Thúc Hưng) viết vào dịp làng dời nghĩa trủng về nơi mới, có nhiều đoạn rất bi tráng, khắc họa hình ảnh người nghĩa sĩ đánh Pháp, vì nước quên thân.
"Nếu nói rằng trận "thư hùng đích thực" giữa quân dân VN với liên quân Pháp - Tây Ban Nha thì trận nào? Đó chính là trận đồn Chân Sảng. Trước hết cần xác quyết rằng Nam Chơn cũng chính là Nam Chân (người Pháp gọi là Kien-Chan), Chơn Sảng cũng chính là Chân Sảng trong hầu hết các tài liệu ghi chép về 2 địa danh này cũng như trong cách gọi quen thuộc của người dân địa phương. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ cửa Hàn năm 1858 - 1860, Nam Chơn và Chơn Sảng nằm trong một khu vực phòng thủ rộng lớn khắp tây bắc Đà Nẵng vòng qua vịnh và đến bán đảo Sơn Trà của triều đình Huế", TS Lưu Anh Rô phân tích.
Dẫn các sử liệu, TS Lưu Anh Rô cho hay lúc 4 giờ sáng 18.11.1859, đô đốc Page ra lệnh cho các chiến hạm Némésis, Phlégeton cùng các tàu Tây Ban Nha và một tàu hải vận tiến về phía tây bắc Đà Nẵng. Ý đồ của Page là "nhổ hết các đồn ở phía tây bắc vịnh Đà Nẵng đang án ngữ tuyến đường đi Huế. Con đường này đi men theo vịnh Đà Nẵng rồi đi lên dốc tới đỉnh đèo. Tại đây, có một pháo đài án ngữ con đường cái quan này (đồn Chơn Sảng). Khi ta chiếm các đồn nằm về phía tây vịnh, ta sẽ cắt đứt việc liên lạc ở đây với kinh đô Huế".
Mặc dù phía quân ta có nhiều thiệt hại, các trạm Nam Chơn, đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải bị liên quân chiếm đóng, toàn bộ tuyến đường giao thông liên lạc giữa Huế - Đà Nẵng đã bị chặn, nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, quân triều đình nhà Nguyễn đã gây ra nỗi khiếp đảm cho địch. "Quân ta ở đồn Chơn Sảng đã bắn đại bác trúng đích chiến hạm Némésis do Page trực tiếp chỉ huy, y thoát chết nhưng trung tá Dupré Déroulède và một số lính thiệt mạng. Ông Dupré Déroulède - Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đội công binh, đã bị đạn bắn đứt rời thành 2 mảnh bên cạnh đô đốc…", TS Rô viết.
ĐỊNH VỊ ĐỒN CHƠN SẢNG
Sau hơn 3 tháng kể từ ngày chiếm đóng nhưng vẫn bế tắc trong chiếm đánh đường đèo Hải Vân, vào 7 giờ ngày 29.2.1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh mìn giật sập đồn Chơn Sảng rồi rút về tiền đồn núi Sơn Trà trước khi di tản toàn bộ khỏi Đà Nẵng (vào ngày 23.3.1860). "Đồn Chơn Sảng bị quân Pháp chiếm đóng, đặt tên là pháo đài Kien-Chan. Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi thì dấu vết còn lại chỉ là những vết tích của gạch đá vương vãi, khi quân Pháp phá hủy pháo đài trước khi rút đi", ông Rô thông tin.
TS Lưu Anh Rô đã cố gắng định vị đồn Chơn Sảng. Theo ông, đồn nằm về phía nam chân núi Hải Vân, cạnh núi Thông (thường gọi là Hòn Hành). Năm Minh Mạng thứ 4 đặt là núi Định Hải và dựng pháo đài ở đây gọi là pháo đài Định Hải, cạnh đó là đồn Chơn Sảng, nằm gần bên đường thiên lý từ Hải Vân quan đi xuống, nay làm trạm biên phòng. Về tên gọi, TS Lưu Anh Rô cho biết trên giấy tờ hành chính dưới thời Nguyễn gọi là đồn Chơn Sảng, còn dân địa phương thì quen gọi là Đồn Nhất và Đồn Nhì (tức là pháo đài Định Hải). Nếu tính từ Hải Vân quan vào thì đồn đầu tiên chính là Chơn Sảng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến trong nỗ lực định vị các công trình phòng thủ thời nhà Nguyễn đã đánh số 16 trên trích đoạn vị trí các công trình phòng thủ vành đai vịnh Đà Nẵng trên bản đồ triều Tự Đức (bị quân Pháp tịch thu tại lỵ sở quân thứ Quảng Nam ngày 15.9.1859). Ông Tiến cho biết đồn Chơn Sảng được đắp bằng đất và cật tre ở bên bờ vịnh Nam Chơn, gần pháo đài Định Hải, án ngữ con đường lên đèo Hải Vân, gần dịch trạm Nam Chơn. Dựa vào tấm bản đồ này, có thể thấy đồn Chơn Sảng nằm gần như ở vị trí trung điểm trên tuyến vòng cung nối giữa trạm Nam Chơn và pháo đài Định Hải.
Để xác định vị trí của đồn Chơn Sảng, chúng tôi cũng đã tiếp cận nhiều tư liệu là các bản đồ, như: trích đoạn vị trí Pagoda fortifiée (trạm Nam Chơn) và đồn Kien-Chan (Chơn Sảng) pháo đài Fort du Mamelon (pháo đài Núm Vú/Định Hải) trên bản đồ chiến sự Pháp ngày 18.11.1859 do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến sưu tầm; bản đồ Tourane 1860 (nguồn: Association des Amis du Vieux Hue - AAVH); bản đồ theo cuốn Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975 của Võ Văn Dật… Qua đối chiếu, có thể thấy đồn Chơn Sảng sát mặt biển và nằm trên vùng eo biển sát Hòn Hành (nơi có pháo đài Định Hải). (còn tiếp)
Cần sưu tầm bản đồ, hình ảnh vành đai phòng thủ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đánh giá 165 năm đã trôi qua, diễn biến của cuộc chiến ở quá khứ rất khó hình dung, không dễ nắm bắt nếu chỉ dựa vào chữ nghĩa trên giấy tờ, sách vở và khó lôi cuốn người đọc. Do vậy, những bản đồ và hình ảnh đương thời về vành đai phòng thủ này cần được sưu tầm, chắt lọc và xây dựng thành những gian trưng bày có hệ thống về cuộc chiến với trung tâm di tích thực sự còn lại là thành Điện Hải…