Hội thảo "Vietnam GameMaker Conference 2023" đang diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam,ànhgamesẽlàtrụcộtcủanềnkinhtếsốcách xóa tài khoản gmail quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, các quỹ đầu tư quốc tế và các nhà phát triển game để bàn về cơ hội phát triển cho ngành game trong nước.
Tại sự kiện, ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhấn mạnh: "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chúng tôi xác định chuyển đổi số và ngành công nghiệp game là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào mô hình đổi mới sáng tạo".
Năm 2022, thế giới có gần 3,2 tỉ người chơi game và doanh thu ngành game đạt 182,9 tỉ USD, cao gấp gần 7 lần ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu (26,2 tỉ USD) và gấp đôi ngành công nghiệp điện ảnh (77 tỉ USD). Tính đến hết năm 2023, doanh thu ước đạt 187,7 tỉ USD; trong đó game di động chiếm 50% với 92,6 tỉ USD (Theo Newzoo).
Ngay cả tại một quốc gia có làn sóng văn hóa K-pop phát triển mạnh như Hàn Quốc, doanh thu ngành game cũng đạt 7,4 tỉ USD năm 2022, gấp 6 lần ngành điện ảnh và tới 46 lần ngành công nghiệp âm nhạc.
Một điều khá thú vị là khu vực MENA-3 ( bao gồm Saudi Arabia, UAE và Ai Cập) cũng đang nhận định game có thể tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ đủ sức thay thế dầu mỏ trong tương lai. Doanh thu game tại thị trường này đạt 1,76 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 1 tỉ USD sau 4 năm nữa, theo Niko Partners. Tháng 4 năm nay, Savvy Games - công ty thuộc sở hữu của quỹ đầu tư công Arabia Saudi, đã đồng ý mua lại công ty sản xuất trò chơi di động đình đám Scopely (Mỹ) với giá lên đến 4,9 tỉ USD. Đây là một trong những thương vụ mua lại ngành game lớn nhất trong lịch sử.
Châu Á-Thái Bình Dương hiện là khu vực trọng tâm phát triển ngành game với 85,8 tỉ USD doanh thu và gần 1,8 tỉ người chơi game. "49% các thương vụ đầu tư vào ngành game là ở khu vực châu Á, tương ứng 50% giá trị thương vụ toàn cầu, và con số này đang không ngừng tăng lên" – Ông Jin Oh, Đại diện quỹ đầu tư BITKRAFT Ventures nhận định.
Trong đó, Đông Nam Á với lợi thế dân số trẻ, năng động, thích ứng công nghệ cao, chi phí nhân lực hợp lý, hạ tầng internet ổn định đang có tốc độ tăng trưởng ngành game di động đứng top 2 thế giới, dự báo đạt 7,4% giai đoạn 2022-2025, so với mức trung bình toàn cầu là 3%. Riêng tại Việt Nam, doanh thu ngành game 2022 đã vượt mốc 500 triệu USD, với hơn 28,000 nhân sự đang làm việc trong ngành này.
Chia sẻ về chuỗi giá trị kinh tế của ngành game, ông Lã Xuân Thắng – Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến tại VNG cho biết, ngành game gồm 3 cấu phần chính là các nhà phát triển game, nắm giữ bản quyền (IP) các tựa game; các nền tảng phân phối; và các doanh nghiệp phát hành. Theo ông, 3 thành tố quan trọng nói trên bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong 1 hệ sinh thái hoàn chỉnh. "Các doanh nghiệp game Việt nên tập trung vào Nhóm 1 (phát triển sản phẩm và tiến đến xây dựng các IP riêng) và Nhóm 3 (phát hành sản phẩm, từng bước từ Việt Nam tới Đông Nam Á rồi toàn cầu, dựa trên năng lực sáng tạo và bản địa hoá sâu sắc). Nhóm 2 là phần tương đối khó khăn vì nó là cuộc chơi của những công nghệ nền tảng và tài chính toàn cầu – ông Thắng bổ sung.
Tuy vậy, trên thực tế, ngành game Việt dù có được một số doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng toàn ngành vẫn còn có nhiều hạn chế. Việt Nam chưa hình thành hệ sinh thái game thực sự, các công ty chưa tận dụng lợi thế hợp tác cùng nhau, các kỹ sư công nghệ giỏi làm game còn thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp cận đông đảo người dùng. "Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí, chúng ta còn khoảng cách xa so với nhóm hàng đầu thế giới" – ông Vũ Quốc Huy nhận định.
Cùng chung quan điểm với ông Vũ Quốc Huy, ông Lã Xuân Thắng chia sẻ: "Theo tôi, các chính sách đồng bộ hỗ trợ về tài chính, các ưu đãi, chương trình giáo dục và đào tạo bài bản... là chưa đủ, ngành game cần sự công nhận từ Cơ quan quản lý và xã hội để thực sự phát huy hết tiềm năng". Ông cũng lấy ví dụ hiện nay tại Việt Nam chưa có mã ngành đào tạo bậc Đại học cho ngành game, chỉ có rất ít trường có ngành này như Đại học Anh Quốc BUV, Đại học RMIT, còn lại là các khóa học ngắn hạn. Thực tế thì nguồn nhân lực dành cho ngành game hiện nay thường là từ các "ngành gần" như CNTT, thiết kế đồ hoạ,... Trong khi đó, trong top 100 chương trình đào tạo bậc đại học về ngành game trên thế giới, Âu - Mỹ chiếm trên 60%.
"Để ngành game Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giá trị cao và có sức canh tranh, tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế lớn, chúng ta cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế và hệ sinh thái đa dạng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau" – ông Vũ Quốc Huy kết luận.